Tôi là một người không uống đươc nhiều rượu bia. Thường là chỉ 1-3 chai bia hay vài ly rượu là tôi có dấu hiệu say rồi. Chính vì vậy tôi rất ngại khi phải uống rượu bia với anh em, bạn bè, đồng nghiệp của tôi vì tửu lượng tôi có hạn. Từ khi lớn lên tôi không hiểu từ đâu mà người ta (hầu hết là đàn ông với nhau) cho rằng là đàn ông phải biết uống rượu. Dần dần nó ăn sâu vào ý thức của nhưng người đàn ông. Gặp nhau, ngồi với nhau là phải có tý men mới nói chuyện được. Mà ông nào uống được càng nhiều lại có cơ hội nói chuyện với nhau hơn. Trong một cuộc nhau, anh em với nhau là phải khè nhau làm sao uống cho say chổng cẳng ra thì thôi. Người này không uống thì bị người kia tìm mọi cách làm cho uống say được thì thôi. Ôi thôi đủ mọi lý do: ” Anh em với nhau phải uống say thôi mới nhiệt tình với nhau. Không uống được với anh em được cho là không nhiệt tình với nhau, coi thường anh em.” Mà hậu quả sau đó anh em chung bàn mấy ai nghĩ tới cho nhau đâu.
Năm ngoái Tết 2019, có bà chị vợ nào đó nhắn tin chửi bạn ông chồng quá trời vì cái tội ép chồng bà ta say rồi bị tai nạn. Dân tình người cho bà này quá đáng, nhưng có ít người lại khen bà chị ấy. Mình có vài lần say như vậy, vợ lên facebook chửi đổng quá trời. Bạn bè mình vì thế sau này cũng thấy ít rủ mình nhậu. Nói chung cái tệ nạn nhậu của dân ta thì ai cũng biết thừa rồi đúng không? Nhậu xong hát hò ầm làng ầm xóm. Nhậu xong đi tăng 2 tăng 3 nhậu tiếp. Nhậu xong nôn ói tùm lum. Nhậu xong bỏ bê công việc,… Dân mình nhậu đến nỗi thị trường bia rượu tăng trưởng thuộc top nhanh nhất thế giới. Bình quân mỗi người dân uống 9 lit bia/năm. Giai đoạn từ 2010 đến 2017, tốc độ tăng tiêu thụ rượu tại Việt Nam lên tới 90%.
Đấy là tình hình chung. Còn đối với bản thân tôi, có phần nào đó bị hạn chế hơn vì uống được ít rượu/bia. Nên hạn chế giao lưu hơn. Thành ra ít cơ hội làm ăn hơn. Tuy nhiên tôi không bận tâm đến nó mấy.
Đầu tháng 01/2020, NĐ 100 của Chính phủ ra đời, bằng việc tăng mức xử phạt cao ngất ngưởng, tịch thu bằng lái này nọ. Yêu cầu cảnh sát giao thông thực hiện nghiêm túc. Điều này đã làm cho người dân thực hiện nghiêm túc hơn. Thực sự tôi chưa thấy khi nào mà đi dự tiệc trên bàn toàn nước ngọt nước lọc. Rất hiếm thấy có ly bia, cái mà lâu nay nó như cái biểu tượng của bữa tiệc. Lý do duy nhất để không phải uống rượu bia lúc này đây là “Công an nó phạt chết”. Dần dần chả thấy ai dám mời người khác bia/rượu nữa. Vì lỡ mời mà người ta uống cái rồi bị phạt thì sao? Mình có tiền cho họ đóng phạt không? Kể cũng lạ sao trước đây người ta không nghĩ ép nó uống bia/rượu lỡ nó bị tai nạn cái thì sao? So với việc bị mất tiền với mất mạng rõ ràng là mất mạng là cái lớn nhất rồi mà không sợ bằng mất tiền. Lạ thiệt.
Tết năm nay 2020, khách đến nhà chúc tết tôi. Tôi chỉ dám hỏi có uống bia/rượu không? Kết quả không ai uống cả. Tôi đi chúc tết cũng tương tự vậy. Và các bợm nhậu hay ép tôi uống những lúc trước đây cũng không đụng đến luôn. Ồ hóa ra trước đây các bợm nhậu này cũng vì sự tại ái, cũng vì sợ người khác bảo mình không nhiệt tình, không uống được rượu mà cố gắng uống cho được nhiều. Nay có nghị định này rồi cũng đu theo luôn. Ối hóa ra cái nghị định 100 này hay thiệt ta ơi. Đâu đó vẫn còn nhiều tiếng kêu ca của các doanh nghiệp rượu/bia, của người kinh doanh rượu/bia về tác hại khi NĐ 100 ra đời. Làm cho họ tổn thất nặng nề. Nhưng nếu so với tổn thất của toàn xã hội thị tổn thất của các doanh nghiệp rượu/bia hay người kinh doanh rượu/bia chưa thấm vào đâu. Quả thật 1 nghị định làm thay đổi tu duy của cả xã hội.